Archive for Tháng Mười Hai 2011

Tháng Mười Hai 16, 2011

 Lê Hiền Đức – Chống tiêu cực đến hơi thở cuối cùng

(nhạc nền)

Ở cái tuổi tám mươi, đó là thời gian mà những người già sống vui vầy bên con cháu để hưởng sự quan tâm, chăm sóc. Nhưng trong cuộc sống hối hả, xô bồ này vẫn có một cụ bà bước sang tuổi tám mươi nhưng lại sống một mình và hăm hở, nhiệt tình và luôn “sôi sục” trong chống tham nhũng. Trong chương trình phát thanh ngày hôm nay – nhân ngày quốc tế chống tham nhũng ngày 9 tháng 12, chúng ta sẽ được gặp một cụ bà như thế trong phóng sự : “ Tôi sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Khi nhắc đến công việc chống tiêu cực, có lẽ không ít người nghĩ đến bà Lê Hiền Đức. Đó là bí danh mà chính Bác Hồ đã phong tặng cho bà trong những năm tháng kháng chiến.

Tên thật của bà là Phạm Thị Dung Mỹ. Năm 1946, bà đã tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên, mật mã viên cho ngành công an, rồi làm tình báo, sau đó bà được điều động sang làm dịch mật mã cho Bác Hồ.

Khi kháng chiến kết thúc, bà về làm giáo viên tiểu học tại Hà Nội. Trưởng thành trong cách mạng, bom đạn chiến tranh đã tôi luyện cho bà một ý chí, một tinh thần thép.

Nhưng bây giờ, sau khi trải qua nhiều công việc khác nhau, vấn đề mà bà giành nhiều thời gian, tâm huyết và nhiều trăn trở nhất vẫn là chống tiêu cực.

Cái cớ đặt nền móng để bà chống lại bất công là khi đang bán đồ ăn vặt cho học sinh trường Chu Văn An khi mới nghỉ hưu năm 1984. Lúc đó, mấy anh công an giao thông đã đến tịch thu hàng hóa của bà. Mặc dù đến cơ quan mấy anh nhiều lần nhưng không được trả lại. Từ đó, ý thức đấu tranh chống tiêu cực đã hình thành trong bà.

Tiếp tôi trong ngôi nhà ba tầng ở Pháo Đài Láng (Hà Nội), ngoài các vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày thì đều là hồ sơ, đơn thư của người dân từ khắp nơi gửi về. Từng chồng, từng chồng hồ sơ chất đầy trong các hộp lớn, trong tủ… nhìn đâu cũng thấy hồ sơ và tài liệu có liên quan. Đó không chỉ là đơn thư của người dân trong nước mà người dân nước ngoài vẫn liên tục gửi về cho bà.

Ở tuổi tám mươi, ai cũng muốn ở với con cháu để sớm hôm vui vầy. Thế nhưng với bà Đức thì lại sống một mình. Đối với bà, cũng như bao người khác, được sống với con cháu là hạnh phúc của tuổi già, nhưng vì công việc bà đã phải hi sinh cuộc sống của mình.

Bà chia sẻ:

“Tôi không thể ở với con cháu được. Ở với con cháu không được làm việc. Bởi thế cho nên là phải ở một mình, mặc dù sang với con với cháu thì sung sướng lắm, gia đình tôi rất hạnh phúc nhưng tôi không thể ở được”

Da xanh, tóc đã bạc vì vết bụi thời gian, người bà gầy nhưng bà vẫn luôn tất bật với công việc hàng ngày. Sáng nào bà cũng đọc tin tức, vào mail để xem có những thông tin gì. Bà giành tất cả lương hưu để phục vụ cho công việc này. Đã tuổi tám mươi nhưng bà vẫn học tiếng anh và viết báo.

Cứ mỗi lần có đơn thư hay điện thoại gọi đến nói về tiêu cực là máu trong người bà lại sôi lên và bà thấy buồn, đau với nỗi đau vì lại một người dân phải chịu oan ức. Khi tâm sự với tôi bà ngậm ngùi: “cùng là người Việt Nam, cùng chung dòng máu, uống chung nguồn nước mà sao nỡ giẫm đạp lên nhau”. Bà thương cho những người dân lành chịu oan ức bao nhiêu thì bà quyết tâm chống tiêu cực bấy nhiêu. Dù là đêm hôm hay sáng sớm, có ai gọi điện cho bà đều được bà tận tình giúp đỡ.

Năm 2007, lần đầu tiên một người phụ nữ Việt Nam nhận giải thưởng liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế – đó là bà Lê Hiền Đức. Đối với bà, chống tiêu cực không phải để vinh danh, để nhận giải thưởng mà tất cả chỉ vì sự công bằng cho nhân dân.

Bằng nghiệp vụ công an và kinh nghiệm của mình, bà đã tìm hướng giải quyết tận gốc, đến nơi đến chốn vấn đề. Sau từng ấy năm chống tiêu cực, bà vui vì hơn 40 % vụ việc gửi đi đã được các cơ quan chức năng xử lý. Nhưng không ít lần cách xử lý của các cán bộ công quyền khiến bà thất vọng.

Đằng sau những chiến công trong cuộc chiến không đổ máu này, bà đã gặp không ít phiền toái. Dường như bà là khắc tinh của những tên tham ô. Nói về khó khăn mà mình gặp phải, bà chia sẻ:

“ Vòng hoa kính viếng hương hồn cụ rồi đổ xăng, rồi gọi điện chửi bới, vân vân và vân vân. Nhưng chưa hết, chưa hết cái gian khổ đâu em ạ. Gian khổ nhất vẫn là ở chỗ là bị đá. Có nghĩa là họ đá tôi như một quả bóng mà tôi dùng từ rằng tôi trở thành một quả bóng trong một trận đấu đầy ám muội. Là con đường đi của tôi đầy chông gai, vô cùng gian khổ. Nhưng tôi sẽ đạp bằng gian khổ để tôi tiếp tục con đường gian khó đó.”

Mặc dù khó khăn là thế nhưng cũng không thể  nào cản được bước chân của bà trên hành trình chống tiêu cực. Khi được hỏi động lực nào lớn nhất để bà vững bước và làm nhiều việc tốt như vậy, bà chỉ bảo:

“ Bác Hồ chính là người mà tôi học tập được nhiều nhất cái tư tưởng và đạo đức của Bác, nghĩa là luôn luôn, lúc nào tôi cũng sống liêm chính, minh bạch, chí công vô tư. Khi tôi còn là người lính, Bác dạy tôi một cái kim, sợi chỉ của dân cũng không tơ hào. Những tư tưởng của Hồ Chí Minh nó thấm sâu vào con tim, khối óc của tôi”

Tư tưởng Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị  đã được trưởng thành trong cách mạng, tấm lòng thương dân tiếp sức cho bà hăng say trên cuộc chiến này. Với phương châm làm việc “ đã đánh thì phải đánh dập đầu, đã giệt thì phải giệt tận gốc” – người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này đã góp sức mình trong cuộc chiến chống tiêu cực, đưa lại sự công bằng cho người dân.

Hai lĩnh vực mà bà chống tiêu cực mạnh nhất là đất đai và giáo dục. Trong thời gian gần đây, bà đang theo đuổi vụ việc của người dân An Giang.

Đáp lại tấm lòng và sự hi sinh của bà, những người dân được bà giúp đỡ đã giành một tình cảm đặc biệt. Tôi may mắn được gặp những người dân An Giang đã ra tận Hà Nội được bà Đức giúp đỡ trên con đường tìm đến công lý.

Bà Thái Thị Ngọc đã chia sẻ tình cảm của mình:

“ Bà Đức là giúp đỡ chúng tôi rất là nhiều, và con người bà Đức theo tôi, tôi thấy bà Đức là mẫu người, bởi vì bà Đức là đệ tử của Hồ Chủ Tịch thì bà Đức giống mẫu người đó. Vì đệ tử mà, thầy sao thì trò vậy. Dù bà Đức lớn hơn tôi có mấy tuổi nhưng tôi xem bà Đức như là người mẹ tinh thần, người mẹ tâm linh, người mẹ mà hướng dẫn chúng tôi trên con đường tôi đi tới.”
Cũng có chung tình cảm như bà Ngọc, bác Nguyễn Văn Toàn trú tại Huyện Châu Phú, tỉnh An Giang nói:

“Qua tiếp xúc với cụ, thì chúng tôi được biết là một cái phao để cứu sinh với chúng tôi, nó là một cái phao đấy. bởi vì trong lúc đường cùng nhưng khi trao đổi với cụ thì cụ đã giúp đỡ, có nhiều biện pháp, có nhiều cái ứng  phó, có nhiều cái chỉ dẫn. Cho nên mới đứng được, các bác ở đây là cảm ơn cụ nhiều lắm.”

Đó không chỉ là tình cảm của người dân An Giang mà đó cũng là những lời tri ân của những người được bà giúp đỡ, luôn yêu thương, kính trọng bà.

Tuổi đã già nhưng không làm cho bước chân của bà chậm lại, không thể cản đường đi của bà. Đối với bà cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi được cống hiến giúp đỡ những người dân có oan tình.

 “Và tôi tuyên bố rằng, nếu tôi có thác đi thì hồn ma tôi vẫn trở về vạch mặt những kẻ tham nhũng và những kẻ bao che tham nhũng.”

Với những trăn trở với nghề, bà sẽ luôn luôn chiến đấu đến hết cuộc đời, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bà gửi gắm niềm tin vào lớp trẻ – lớp người đang hăm hở đi trên con đường mà bà đang đi và đang háo hức thực hiên lí tưởng của mình vì cuộc sống không còn bất công, tham nhũng.

Nhạc nền: sống trên đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…

Trần Thị Sang